Ngày 18.11, Phái đoàn Mỹ tại Việt Nam tổ chức buổi thuyết trình và thảo luận trực tuyến với chủ đề “Vượt qua cơn sóng khí hậu: Làm thế nào để đảm bảo ngành đánh bắt thủy hải sản có khả năng thích ứng với khí hậu”.
Thủy hải sản đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với dinh dưỡng, an ninh lương thực và sinh kế của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu hiện đe dọa sự an toàn của các hệ sinh thái biển và ven biển cũng như ngư nghiệp.
Mở đầu buổi thuyết trình, tiến sĩ Kendra Karr, nhà khoa học cao cấp của Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) đã phân tích lý do tại sao cần phải theo đuổi nỗ lực phát triển một ngành ngư nghiệp phát triển mạnh và bền vững, có thể thích ứng với khí hậu.
Theo bà, đây là hành động thiết thực nhất mà con người có thể thực hiện nếu muốn giúp các đại dương của thế giới đối phó những tác động tiêu cực đến từ tình trạng nóng lên toàn cầu và dẫn đến biến đổi khí hậu.
Nữ tiến sĩ đã chia sẻ năm nguyên tắc chính cần thiết để phát triển ngành ngư nghiệp thích ứng trước những thay đổi về khí hậu, bao gồm quản lý-quản trị thủy sản hiệu quả; lên kế hoạch cho tương lai; tăng cường hợp tác xuyên biên giới; cải thiện sức khỏe hệ sinh thái và đề cao các nguyên tắc công bằng và bình đẳng.
Kế đến, tiến sĩ Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản Việt Nam (VIFEP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) Việt Nam đã đề cậptác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở Việt Nam.
Phần trình bày của tiến sĩ Quyên nhận được sự quan tâm của nhiều người tham dự vì xoáy vào thực trạng tại Việt Nam. Theo ước tính từ nay đến năm 2100, nhiệt độ trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ có thay đổi theo hướng tăng, lượng mưa biến động, tần suất xảy ra các sự kiện bất thường (số cơn bão, số ngày nắng nóng trong năm) cũng tăng. Bên cạnh đó, nước biển dâng và hạn mặn (một phần do thiếu nước lũ thượng nguồn) sẽ mang đến nhiều thách thức cho ngành thủy sản Việt Nam.
Theo tiến sĩ Quyên, kể từ năm 2010 đến nay Việt Nam đã trải qua 2 hạn mặn nghiêm trọng, từ 2015-2016 và từ 2019-2020, và gây nên tổn thất lớn về kinh tế, đặc biệt ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, và những loài bị tác động do thay đổi môi trường sống là tôm, cá tra, cá chép nước ngọt, loài nhuyễn thể.
Các dự báo của MARD góp phần cho nỗ lực xây dựng chính sách phù hợp để các khu vực tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.