Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chiều 24-12, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ năm nay, ngành thủy sản có tới 4-5 tháng quan ngại về sản xuất, xuất khẩu.
“Tại thời điểm đến hết tháng 10-2021, toàn ngành chỉ đưa ra dự báo xuất khẩu cả năm đạt khoảng 8,4-8,6 tỉ USD. Tuy nhiên, giai đoạn các tháng cuối năm tình hình khởi sắc rõ rệt. Đặc biệt, tính riêng trong tháng 12-2021, trị giá xuất khẩu thủy sản đã đạt tới 900 triệu USD. Có thể nói, năm nay ngành thủy sản đã thoát hiểm ngoạn mục” – ông Trần Đình Luân nói.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng nhận định, năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện các biến chủng mới (sau biến chủng Delta là biến chủng Omicron). Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm.
“Khó khăn, thách thức còn là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, ‘thẻ vàng’ của EC chưa được tháo gỡ, cường lực khai thác ở mức cao trong khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm…” – ông Hùng nói và cho biết toàn ngành đặt ra chỉ tiêu tổng sản lượng thủy sản năm 2022 đạt khoảng 8,73 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9 tỉ USD.
Góp ý tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng thủy sản Việt Nam đang cạnh tranh với các nước Ecuador và Ấn Độ.
Tại thị trường Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, tỉ lệ xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh đã lên tới 46%, tiếp tục tạo ra cạnh tranh mới với thủy sản Việt Nam. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng con giống.
“Cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất là giá thành. Muốn xuất khẩu bền vững phụ thuộc nhiều thứ, nhưng giá thành là yếu tố then chốt trong đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm của nông dân, ngư dân.
Ông Lê Bá Anh, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho hay số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang có sự tăng trưởng hết sức tích cực trong năm 2021.
Theo đó, chúng ta duy trì 13 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ; bổ sung vào thị trường Nga 19 doanh nghiệp; Hàn Quốc 67 doanh nghiệp; Trung Quốc 31 doanh nghiệp. Tổng số xuất khẩu vào Trung Quốc là 779 doanh nghiệp; EU 52 doanh nghiệp.
Nhận định về xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Lê Bá Anh dự báo tình hình sẽ tiếp tục khó khăn. Ngay tại thời điểm này, chúng ta đang khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khi nước này thực hiện chính sách “ZERO COVID”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2021 ngành thủy sản đã vượt thách thức, xuất khẩu đạt 8,89 tỉ USD, góp phần quan trọng vào mục tiêu xuất khẩu mà Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn 42 tỉ USD, tuy nhiên đến nay xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỉ USD, vượt hơn 6 tỉ USD.
“Sang năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 9 tỉ USD năm 2021. Đây là mục tiêu tổng cục đưa ra, bộ sẽ cân nhắc trên cơ sở Chính phủ giao, tuy nhiên chúng tôi sẽ phấn đấu hết sức quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra” – ông Tiến nói.
Cre: Tuoitre.vn