Dư địa lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2022

15/03/22

Sự phục hồi của ngành dịch vụ thực phẩm ở Mỹ được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của thủy sản Việt Nam bởi đây là thị trường xuất khẩu tôm, cá tra lớn nhất của nước ta.

Du dia lon cho xuat khau thuy san Viet Nam trong nam 2022 hinh anh 1

(Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN))

Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới tăng đang tạo ra tiềm năng tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo ra động lực tăng trưởng cho toàn ngành.

Trước “con sóng” hồi phục, các doanh nghiệp thủy sản đã tìm ra những cách khác nhau để vượt đại dương, tăng xuất khẩu.

Dư địa lớn

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), mức tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới tăng tạo ra tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản.

Báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới dự kiến là 21,2kg vào năm 2030, tăng từ mức trung bình 20,5kg trong giai đoạn 2018-2020.

Tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030. Vào năm 2030, nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá được sử dụng cho con người, so với 53% trong giai đoạn 2018-2020.

Dự kiến sản lượng thủy hải sản tiêu thụ sẽ mở rộng trên tất cả các châu lục, được thúc đẩy bởi thu nhập ngày càng cao, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối, đổi mới sản phẩm, cùng với việc người tiêu dùng ngày càng công nhận thủy hải sản là thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng. Mức tiêu thụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới.

Sự phục hồi của ngành dịch vụ thực phẩm ở Mỹ sẽ hỗ trợ tiêu thụ thủy sản vào năm 2022. Hiệp hội Các nhà sản xuất dịch vụ ăn uống quốc tế (IFMA) dự kiến năm 2022, tăng trưởng ngành dịch vụ thực phẩm đạt 4,9% so với năm 2021.

Hơn nữa, chi tiêu tiêu dùng thực phẩm tại phân khúc nhà hàng năm 2022 được dự báo sẽ gần trở lại mức 2019 và tăng 8% so với năm 2021.

Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng thực phẩm tại siêu thị trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng 7,8% so với năm 2021 lên 38,8 tỷ USD, tương đương với mức 119% của năm 2019.

Do đó, sự phục hồi nhu cầu tại các nhà hàng và tăng trưởng nhu cầu thực phẩm tại siêu thị vào năm 2022 sẽ hỗ trợ tiêu thụ thủy sản ở Mỹ.

Do Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm và cá tra lớn nhất của Việt Nam, sự phục hồi của ngành dịch vụ ăn uống được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho triển vọng tăng trưởng xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam.

Theo dự báo của OECD và FAO, đơn giá sản xuất thủy sản nuôi trồng trên danh nghĩa sẽ tiếp tục tăng trưởng 15% từ năm 2021 đến năm 2030. Năm 2022, giá một đơn vị thủy sản nuôi trồng dự kiến sẽ tăng 6,3% lên khoảng 3.200 USD/tấn.

Trong khi đó, thực giá của thủy sản nuôi trồng được dự báo sẽ phục hồi trong ngắn hạn vào năm 2022 và 2023, sau đó giảm từ năm 2024 trở đi để phản ánh nguồn cung tăng do sản lượng nuôi trồng tăng.

….https://www.vietnamplus.vn/du-dia-lon-cho-xuat-khau-thuy-san-viet-nam-trong-nam-2022/767454.vnp